I. Các yếu tố ảnh hưởng tới số tiền trả góp mỗi tháng
Thời hạn vay
Mua trả góp qua tổ chức tín dụng hỗ trợ thời hạn trả góp ít nhất là 6 tháng và dài nhất là 24 tháng, một số sản phẩm đặc thù giá trị cao và được ưu đãi thì có thể hỗ trợ góp 36 tháng (3 năm) nhưng không phổ biến.
Lãi suất vay
Về lý thuyết, mua trả góp vẫn được xem là một khoản vay tín chấp, tức là TCTD sẽ cho anh em vay tiền dựa trên uy tín của anh em để mua trước cái máy, mỗi tháng anh em sẽ trả tiền lại cho TCTD, quyền định đoạt cái máy và hồ sơ thông tin của anh em là vật thế chấp cho TCTD.
Rất rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là hỗ trợ trả góp lãi suất 0%, tuy nhiên anh em cần lưu ý 0% đó là cho kì hạn góp bao nhiêu lâu, 6 tháng hay là 12 tháng. Nhiều khi 0% chỉ áp dụng khi góp 6 tháng, còn nếu góp 12 tháng thì lãi suất lại là 20%/năm.
Khoản tiền trả trước
Đa số khi trả góp qua tổ chức tín dụng, anh em sẽ cần trả trước một khoản tối thiểu là 10%, thông thường là trả trước 30%, số tiền còn lại sẽ được nhân lãi suất và chia đều với thời hạn vay để ra số tiền trả mỗi tháng. Trả trước càng nhiều thì số tiền còn lại trả góp mỗi tháng sẽ ít xuống, và ngược lại.
Quyền sở hữu
Tại sao anh em phải trả trước một khoản 10% - 30%. Cái này là một phương án tài chính để các tổ chức tín dụng giảm bớt rủi ro cho họ. Anh em cần phải hiểu một điều là khi mua trả góp (ví dụ mua cái điện thoại), thì quyền định đoạt cái điện thoại đó là của bên tổ chức tài chính (bên A), họ ứng trước 100% giá trị cái điện thoại để trả cho bên bán, sau đó mỗi tháng thu lại tiền của anh em. Anh em chỉ mới có quyền sử dụng đối với các điện thoại này thôi, lúc này cái điện thoại của anh em là tài sản đảm bảo cho khoản vay trả góp đó, tới khi nào anh em trả dứt 100% tiền nợ thì anh em mới là chủ sở hữu thực sự của cái điện thoại này.
Giả sử anh em trả góp 12 tháng, nhưng tới tháng thứ 6 (thậm chí là tháng thứ 11) mà anh em không trả góp nữa, thì theo lý thuyết, bên tổ chức tài chính có quyền thu hồi cái điện thoại đó lại (và phát mãi nó, tức là đem bán nó đi để cấn trừ nợ). Anh em cũng biết là giá trị của điện thoại sẽ giảm theo thời gian, do đó khi mua nó có giá trị là 15 triệu nhưng 6 tháng sau chỉ còn lại 12 triệu (hàng mới) và 8-10 triệu hàng đã qua sử dụng.
Lúc này tổ chức tín dụng "phát mãi" cái điện thoại đó được 8 triệu để cấn trừ khoản nợ còn lại của anh em. Bởi vì họ không thể bán lại tài sản đảm bảo (cái điện thoại) với giá ban đầu là 15 triệu, cho nên khoản tiền trả trước (ví dụ 30%) và số tiền góp mỗi tháng đã thu là phần bù trừ cho trượt giá của tài sản đảm bảo đó.
Phí chuyển đổi trả góp & Phí thu hộ
Đa số khi mua trả góp qua các tổ chức tín dụng sẽ có một khoản phí gọi là Phí chuyển đổi trả góp. Đây là khoảng phí để chuyển đổi phương thức mua hàng từ trả thẳng 1 lần thành trả góp hàng tháng, nó khoảng khoảng 1% - 4% giá trị món hàng. Ngoài ra còn có thêm phí thu hộ, nếu anh em trả góp hàng tháng tại các cửa hàng điện máy, ví điện tử....
Bảo hiểm khoản vay
Khoản phí cuối cùng là Bảo hiểm khoản vay. Trên lý thuyết, bảo hiểm khoản vay là số tiền mà anh em sẽ mua (của công ty bảo hiểm) để bảo hiểm cho khoản vay trả góp đó. Nếu có sự cố không may xảy ra mà anh em không tiếp tục trả góp được thì (theo lý thuyết) công ty bảo hiểm sẽ thay mặt anh em trả số tiền còn lại cho bên A (bên cho vay, TCTD). Số tiền bảo hiểm này khoảng mấy chục ngàn một tháng và mua suốt thời gian vay.
Tuy nhiên, theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì anh em KHÔNG BỊ BẮT BUỘC phải mua bảo hiểm khoản vay khi mua trả góp. Do đó, khi làm thủ tục mua trả góp, anh em có quyền yêu cầu các bạn làm hồ sơ cho anh em bỏ cái bảo hiểm khoản vay này ra khỏi hợp đồng để giảm số tiền trả góp hàng tháng. Vì bảo hiểm khoản vay là khoản bảo hiểm tự nguyện, không phải loại hình bảo hiểm bắt buộc, cho nên chúng ta có quyền không mua.
Như vậy, sau khi đã tham khảo các khoản phí, lãi suất kể trên, anh em có thể tạm hiểu được cách TCTD liệt kê một khoản trả góp, ví dụ như sau:
(Giá trị món hàng - số tiền trả trước) x lãi suất = gốc + lãi (931,5k).
(931,5k) + bảo hiểm khoản vay + phí thu hộ = số tiền góp mỗi tháng (998k)
(998k) x thời hạn vay = Số tiền cần phải trả góp (11.976k)
(11.976k) + số tiền trả trước = Tổng số tiền phải trả (15.873k)
(15.873k) - giá trị món hàng = Số tiền chênh lệch giữa mua trả góp so với mua trả thẳng (2.883k)
Nếu lấy 2.883k/giá trị món hàng = % chênh lệch giữa mua trả góp so với trả thẳng = 22,2%
Tức là khoản vay trả góp này có lãi suất 22,2% cho kì hạn góp 12 tháng, tương đương với khoảng 1,85%/tháng.
OK, như vậy là anh em đã tìm hiểu xong về hình thức vay, lãi suất và số tiền cần trả góp mỗi tháng. Với cái điện thoại trị giá 13 triệu kể trên khi trả góp 1 năm thì anh em sẽ chịu lãi suất hơn 22%, do đó nếu mua trả góp, anh em nên ưu tiên lựa chọn cái phương án có hỗ trợ trả góp 0% thì tổng chi phí phải trả sẽ thấp hơn nhiều, ví dụ như bảng tính sau đây sẽ được góp 0% nếu chúng ta trả trước 50% món hàng và trả góp kì hạn 6 tháng. II. Tiến hành thủ tục mua trả góp Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục qua bước lựa chọn và duyệt hồ sơ. Như anh em cũng đã biết, việc duyệt hồ sơ mua trả góp hiện nay rất nhanh và đơn giản, anh em chỉ cần các loại giấy tờ căn bản gồm có: CMND, bằng lái xe, hộ khẩu và hóa đơn điện/nước. Trong đó, chỉ cần 2 thứ CMND + bằng lái hoặc CMND + hóa đơn điện/nước là được. Nếu hộ khẩu khác nơi sinh sống thì mới cần thêm photo sổ hộ khẩu.
Thông tin người đối chiếu
Sau đó, anh em sẽ điền 1 cái tờ hợp đồng đăng ký mua trả góp với TCTD, trong đó có các thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số CMND, nơi làm việc, thu nhập hàng tháng, tình trạng hôn nhân v.v và v.v... Trong đó có một mục cần đặc biệt lưu ý đó là tên + số ĐT của người tham chiếu. TCTD sẽ yêu cầu anh em cung cấp thông tin của 2 - 3 người quen của anh em để họ đối chiếu thông tin (và dí nợ) khi cần. Khi anh em điền tên, SĐT của ai đó vô mục này thì nên hỏi ý kiến của họ trước, để tránh họ bị làm phiền nếu có vấn đề xảy ra.
Tiếp theo, anh em cần lựa chọn hình thức trả góp phù hợp: kỳ hạn trả góp, khoản tiền trả trước, số tiền trả mỗi tháng, ngày đến hạn thanh toán (ví dụ là ngày 5 hàng tháng) v.v... Thông thường, người mua có xu hướng lựa chọn thời gian trả góp dài nhất để cho số tiền góp mỗi tháng ít nhất, nhưng điều này có thể ảnh hưởng tới lãi suất và số tiền chênh lệch cuối cùng. Hãy đảm bảo thu nhập của anh em dư dả để trả tiền góp mỗi tháng, từ đó tránh không bị tiền phạt quá hạn.
III. Thanh toán khoản vay mỗi tháng
Ngày đến hạn thanh toán
Sau khi duyệt hồ sơ xong và lấy máy, TCTD sẽ cung cấp cho anh em 1 cái mốc thời gian gọi là Ngày đến hạn thanh toán. Anh em có trách nhiệm đóng tiền trả góp trước khi kết thúc ngày này, ví dụ ngày 5 hàng tháng, số tiền thanh toán là 998k/tháng.
Phương thức thanh toán
Có nhiều cách để anh em đóng tiền trả góp mỗi tháng, có thể là đến một cửa hàng điện máy có liên kết thu hộ cho TCTD, hoặc đóng qua tài khoản internet banking, hoặc qua ví điện tử, hoặc tại cửa hàng tiện lợi v.v và v.v... Tùy mỗi TCTD sẽ có nhiều hình thức thanh toán khác nhau, anh em có thể tham khảo trực tiếp khi làm hồ sơ.
Theo mình, cách thanh toán qua ví điện tử có vẻ như là nhanh nhất và tiện lợi nhất. Nó có thể hiện cho anh em ngày thanh toán, số tiền thanh toán, dư nợ còn lại v.v... để đảm bảo là anh em không đóng thiếu tiền hoặc quên đóng tiền.
Có cho trả trước hạn hay không
Trước đây anh em vay mua 1 cái điện thoại 13 triệu, trả góp 12 tháng, mà mới trả được 6 tháng bây giờ dư dả tiền bạc, anh em muốn trả dứt luôn 6 tháng còn lại một lần cho khỏi lằng nhằng có được không? Thì đây cũng là một vấn đề cần lưu ý khi mua trả góp.
Thông thường khi trả trước, bên A sẽ phạt anh em một số tiền gọi là tiền phạt trả trước (vì trả dứt nợ sớm tức là mình hủy hợp đồng trước thời hạn), các ngân hàng thường phạt 0,5 - 2% trên số tiền trả trước, còn các TCTD có thể phạt 1 - 5% tùy mỗi công ty. Tức là nếu số tiền còn lại là 6 triệu, anh em trả dứt một lần thì sẽ bị phạt ví dụ 3% tức là 180k + 6000k = 6180k, đây cũng là một yếu tố anh em cần lưu ý.
Lãi suất & phí phạt trả chậm, có cho ân hạn hay không?
Sẽ có trường hợp không mong muốn xảy ra đó là anh em không may trả tiền góp chậm, ví dụ ngày đến hạn trả góp là 5/11 mà ngày 6/11 anh em mới lãnh lương, mới có tiền đóng. Như vậy, TCTD cho anh em vay có hỗ trợ ân hạn không và cho ân hạn bao lâu. Ân hạn có nghĩa là họ cho phép anh em trả chậm một khoảng thời gian (ví dụ 3 ngày) mà không phạt, trả chậm sau ngày 8/11 thì mới tính lãi suất. Lúc này, cần phải để ý tới lãi suất và tiền phạt trả chậm.
Trả góp 0% hay 1% là mức lãi suất chỉ được áp dụng khi anh em TRẢ ĐÚNG HẠN, còn nếu anh em trả trễ hạn, lãi suất đó có thể lên tới mấy trăm %/năm. Mình không rành về con số lãi suất này, nhưng lấy ví dụ lãi suất trả chậm là 150%/năm, góp mỗi tháng 998k thì nếu anh em thanh toán vào ngày 12/11, tức là trả chậm 4 ngày sau ngày ân hạn, thì số tiền phạt trả chậm sẽ tính như sau: (Tuỳ mỗi ngân hàng, có nơi họ tính 1 năm có 365 ngày, như VCB tính 1 năm là 360 ngày).
(150%/360 ngày) x 998k = gần 4,2k/ngày
Chậm 4 ngày = 16,7k => tổng số tiền phải trả = 998k + 16,7k = 1014,7k
Chưa kể, có một số TCTD còn tính thêm một khoản phí phạt trả chậm nữa, có thể là 50k/lần hoặc nhiều hơn, vì vậy anh em cần lưu ý đọc kĩ hợp đồng.
Dư nợ còn lại và CIC
Điểm cuối cùng mình muốn lưu ý anh em đó là dư nợ cuối cùng sau khi anh em hoàn tất việc trả góp. Nếu để ý bảng liệt kê chi tiết chi phí trả góp bên trên, anh em có thể thấy một dòng lưu ý là Số tiền thực tế có thể chênh lệch 10k/tháng. Không phải lúc nào số tiền khi chia ra cũng sẽ chẵn tròn 1.000đ mà có khi nó sẽ lẻ vài chục đồng, vài trăm đồng. Nếu như con số này được làm tròn lên để chúng ta thanh toán dư thì không nói, nhưng nếu vô tình bị bỏ sót và cuối cùng sau khi thanh toán xong, anh em vẫn còn nợ lại dù chỉ vài ngàn đồng thì sẽ rất nguy hiểm. Trong nghiệp vụ tài chính, dù cho nợ 1đ thì vẫn là nợ, và nếu nợ quá hạn thì sẽ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới điểm tín dụng cá nhân CIC của anh em Đã có trường hợp đứa em của bạn mình vay mua điện thoại hồi năm 2017, tưởng là trả xong lâu rồi nhưng gần đây bên TCTD gọi điện thoại nhắc là nó vẫn còn nợ vỏn vẹn 1.000đ và yêu cầu nó thanh toán vì khoản nợ đã chuyển lên thành nợ xấu nhóm 2. Mình có đem thắc mắc này đi hỏi 1 bạn ngân hàng thì được trả lời là một số TCTD cố tình làm vậy để bên B bị liệt vô nợ xấu nhóm 1, nhóm 2, từ đó không thể vay tiêu dùng/mua trả góp ở các TCTD khác được nữa mà chỉ có thể vay/góp bên TCTD cũ.
Vì vậy, ở tháng cuối cùng của kỳ hạn trả góp, anh em nên liên hệ bên TCTD để tất toán hợp đồng, loại trừ trường hợp còn nợ tiền, nếu đóng dư tiền thì anh em cũng có thể rút số tiền dư đó lại nhé.
À còn nữa, lời mời chào vay tiêu dùng
Nếu từng mua trả góp thì chắc chắn là anh em cũng gặp trường hợp bị các TCTD gọi điện thoại mời chào vay tiêu dùng, vay tín chấp rồi. Nếu cảm thấy phiền và không có nhu cầu vay, anh em có thể liên hệ hotline của TCTD để yêu cầu họ không gọi điện thoại tư vấn vay nữa.
Hy vọng bài viết này sẽ liệt kê đầy đủ các điểm cần lưu ý khi mua trả góp thông qua các TCTD. Mời anh em đặt câu hỏi và thảo luận bên dưới nhé!Hình thức mua trả góp xuất hiện từ rất lâu và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam khoảng 15 năm trở lại đây khi các tổ chức tín dụng bắt đầu hỗ trợ mua trả góp xe máy, xe hơi. Dần dà, mua trả góp mở rộng qua hầu hết các lĩnh vực tiêu dùng như mua đồ điện máy/công nghệ, thẩm mỹ/làm đẹp, du lịch, nội thất v.v và v.v... Nếu đã từng mua trả góp điện thoại, anh em sẽ thấy là việc duyệt hồ sơ rất dễ dàng và nhanh chóng, chỉ mất khoảng 15 - 30 phút là xong, nhận máy luôn, nhưng để cho an toàn, anh em cần lưu ý các chi tiết sau: