Lịch sử Samsung Galaxy S Series: những nốt thăng trầm


Ngày 29/3 Samsung sẽ ra mắt hai chiếc điện thoại mới là Galaxy S8 và S8+. Trong lúc ngồi hóng, mời anh em cùng điểm lại những điểm chính trong lịch sử phát triển dòng Galaxy S từ năm 2010 đến nay để xem series điện thoại này đã tiến hóa như thế nào, những nốt thăng trầm của Samsung ra sao, và công ty đã làm gì khi đứng trước các chỉ trích.

 

 

Galaxy S (2010)

Chiếc điện thoại khởi đầu này ra mắt ngày 4/6/2010 tại Singapore, sau đó mở rộng sang những quốc gia khác và cuối cùng có mặt ở hơn 100 quốc gia, trong đó tất nhiên có Việt Nam. Galaxy S được đánh giá cao vì màn hình AMOLED 4" 480 x 800 đẹp và lạ ở thời điểm đó, âm thanh hay, hiệu năng tốt và được cài sẵn Android 2.1. Tờ TIME liệt Galaxy S vào hạng 2 trong số 10 thiết bị tốt nhất năm 2010.

Các đối thủ của Galaxy S vào thời đó là HTC Desire, Xperia X10, Nexus One, iPhone 4 hay HTC HD2, trong đó có Desire là dùng AMOLED nhưng về sau đổi thành SLCD do thiếu hụt nguồn cung (và cũng được đánh giá tốt hơn do cải thiện khả năng hiển thị của chữ, ít bị tình trạng rỗ pixel hơn so với AMOLED).

 


Lúc này, Galaxy S vẫn còn nhiều biến thể khác nhau trên thế giới. Ví dụ, ở thị trường quốc tế thì chúng ta có Galaxy S i9000, nhưng bản ở Mỹ lại mang tên Samsung Infuse (AT&T), Samsung Captivate
(cũng AT&T), Samsung Vibrant (T-Mobile), Samsung Stratosphere (Verizon). Điều này làm giảm đi mức độ nhận diện thương hiệu với dòng Galaxy S nhưng khi đó thế lực của nhà mạng vẫn còn đang rất lớn và Samsung phải làm theo họ. Sau này khi dòng S đã thành công thì Samsung mới giành lại được quyền sử dụng cài tên Galaxy S khi bán qua các nhà mạng này.

Galaxy S bị dính một vấn đề lớn: nó bắt tín hiệu GPS không tốt. Samsung đã phải ra mắt một ứng dụng dành riêng cho bản ở Mỹ chỉ để reset GPS mà thôi và phải tới Nexus S, chiếc điện thoại đầu tiên Samsung làm cho Google và dựa trên Galaxy S, thì tình trạng mới được khắc phục.

Galaxy S2 (2011)

Ra mắt vào tháng 2 năm 2011, Galaxy S2 sử dụng màn hình 4.3 inches với độ phân giải 480 x 800 và là một trong số ít những chiếc điện thoại chạy CPU Exynos 2 nhân ở thời điểm này. Cũng vì vậy mà nó được đánh giá rất cao về hiệu năng, độ nhạy, độ mượt mà. Thiết kế mỏng 8,49mm cũng là lợi thế cạnh tranh tốt vì đa phần smartphone lúc này vẫn còn tương đối dày, nhất là những chiếc có bàn phím vật lý.

Đáng chú ý, màn hình của Galaxy S2 tuy vẫn là AMOLED nhưng không sử dụng cấu trúc điểm ảnh Pentile RGBG (2 sub pixel) như các máy Samsung hiện nay. Thay vào đó nó sử dụng cấu trúc RGB RGB (3 subpixel) giống như các màn hình LCD, nhờ vậy mà hiện tượng rỗ được cải thiện rất nhiều, hình ảnh mượt mà hơn, sáng hơn, đẹp hơn và được cho là có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Samsung đặt cái tên khá mỹ miều cho dòng màn hình này: Super AMOLED Plus.


 


Nhưng rồi lên tới Galaxy S3 Samsung đã không còn tiếp tục xài nó cho các máy flagship của công ty. Họ lấy lý do chi phí cao cộng với tuổi thọ màn hình không đủ dài nên quay trở lại dùng AMOLED Pentile. Hiện nay tình trạng rỗ của Pentile đã được cải thiện nhờ độ phân giải tăng lên cao nhưng so với một tấm nền LCD cùng độ phân giải thì vẫn chưa mượt mà bằng, đặc biệt khi so sánh rìa của các kí tự.

Nhận xét của mọi người về Galaxy S2 nhìn chung là tốt. Hơn 1 triệu máy đã được kích hoạt ở Hàn Quốc sau một tháng. Trên toàn cầu, Samsung bán được 3 triệu đơn vị trong 55 ngày, và con số này tăng thành 10 triệu sau 5 tháng. Cũng trong năm 2011, Samsung vượt mặt Apple tính về số smartphone bán ra với thị phần 23,8% trong khi Apple là 14,6%.

Các biến thể Galaxy S2 ở Mỹ, cộng với một số máy Galaxy S ở trên, còn được nhắc tới trong vụ kiện giữa Apple và Samsung đình đám trong năm 2012. Kết quả tòa tuyên Apple thắng cuộc, nhưng khi đó Samsung đã rục rịch ra mắt S3 rồi nên ảnh hưởng về doanh số cũng không nghiêm trọng, chỉ có số tiền phạt là vẫn còn vùng vằn giữa hai bên tới tận bây giờ.

Galaxy S3 (2012)

Tới dòng Galaxy S3, Samsung đổi mới rất nhiều thiết kế của mình với kiểu dáng được lấy cảm hứng từ hòn sỏi và triết lý thiết kế cho con người. Các góc bo mạnh hơn và màu xanh xám cũng xuất hiện. Nhìn tổng quan nó mềm mại hơn so với những đời Galaxy S trước và mở ra một thời kì mới về smartphone Android hiện đại cho Samsung. S3 được đánh giá tốt về việc kết hợp giữa phần mềm phong phú, khả năng xử lý nhanh và ngoại hình mới mẻ, và là chiếc điện thoại quan trọng giúp Samsung lấy thêm thị phần smartphone về tay mình trong cuộc chạy đua với iPhone.


 


 

Riêng phần mềm, đây cũng là lần đầu tiên Samsung giới thiệu thêm rất nhiều chức năng cho cái điện thoại của họ: vuốt để chụp màn hình, duy trì màn hình sáng khi bạn đang đọc nội dung (tạm vô hiệu hóa auto lock), S Voice điều khiển bằng giọng nói, rồi có cả một máy nghe nhạc nhỏ với thiết kế cũng theo kiểu hòn sỏi... Những thứ này giúp Galaxy S3 cạnh tranh tốt hơn với HTC One X, iPhone 4s hay LG Optimus G ở thời điểm này.

Galaxy S3 đã bán rất chạy. Công ty cho biết họ bán được 10 triệu chiếc trong ít hơn 3 tháng và là chiếc điện thoại bán chạy nhất của Samsung tính tới năm 2012. Ở Mỹ, Galaxy S3 cũng được sử dụng trọn vẹn cái tên của mình chứ không bị đặt theo biến thể cho từng nhà mạng nữa, và sự khác biệt về cấu hình giữa các nhà mạng củng không nhiều.

Galaxy S4 (2013)

Bắt đầu từ S4, Samsung trang bị màn hình lớn hơn và độ phân giải cao hơn cho dòng điện thoại flagship của mình. Vẫn là màn hình Super AMOLED nhưng độ phân giải tăng giúp giảm đi hiệu ứng rỗ pixel gây ra bởi cấu trúc điểm ảnh Pentile, ngoài ra camera cũng được nâng cấp lên 13MP. Tất nhiên, như mọi năm, cấu hình của S4 cũng thuộc loại mạnh nhất ở thời điểm mà nó xuất hiện, và cũng là một trong những cái điện thoại đầu tiên của Samsung trang bị chip 8 nhân. Ở thời điểm này các điện thoại Android đang chạy đua cấu hình rất gắt gao nên việc này là cần thiết để Samsung có thể cạnh tranh với các đối thủ.

S4 còn giới thiệu rất rất nhiều những tính năng nhỏ như điều khiển hồng ngoại, tự ngừng video khi không có người xem, tự khóa xoay màn hình, cảm biến độ cao, nâng độ nhạy màn hình, trượt không chạm, chụp hình kèm âm thanh... Những chức năng này nhiều tới mức người dùng không nhớ hết, cũng không xài hết nên S4 bị gọi là "feature creep", tức là nhiều chức năng tới mức phát sợ.

Tuy Galaxy S4 bán được nhiều (40 triệu chiếc trong 6 tháng đầu) nhưng Samsung được cho là không hài lòng với những gì chiếc điện thoại này mang lại. Chủ yếu là do S4 không tạo được ảnh hưởng mạnh trên thị trường như những gì Samsung đã kỳ vọng, cũng không giúp Samsung ép mạnh các đối thủ LG, HTC, Sony.


 

 


Galaxy S5 (2014)

Trên S5 có 3 điểm mới: khả năng chống nước chống bụi, cảm biến vân tay và cảm biến nhịp tim. Ở thời điểm này tính năng chống nước rất hiếm, chủ yếu chỉ xuất hiện trên những cái điện thoại nội địa hoặc điện thoại độ bền cao mà thôi, còn các mẫu flagship (trừ Sony) đều không có biện pháp bảo vệ nào khi vào nước. Chính vì thế mà S5 rất được khen ngợi và cũng mở đầu cho một xu hướng mới về sau. S5 cũng cải tiến màn hình đẹp hơn và chân thực hơn so với S4.

Cảm biến vân tay cũng là một sự bổ sung kịp thời để giúp S5 cạnh tranh với iPhone. Trước đó thị trường không nhiều điện thoại sở hữu linh kiện này, nhưng kể từ khi Apple ra mắt iPhone 5s thì tính năng vân tay đã bùng nổ. S5 dùng cảm biến loại quét, tức là vẫn chưa tiện như cảm biến chạm của iPhone, nhưng tính ra Samsung vẫn đi nước cờ rất sớm vì mãi 1-2 năm sau LG, HTC, Sony mới lục đục ra mắt điện thoại Android tích hợp cảm biến vân tay.


 

 


S5 bị chê vì thiết kế đã quá cũ, chất liệu và mức độ hoàn thiện cũng không có gì mới so với những thế hệ trước, trong khi những đối thủ thì đã chuyển sang xài vỏ kim loại, vỏ hai mặt kính hay các chất liệu cao cấp khác. Thời 2014, khách hàng cũng bắt đầu để ý nhiều hơn tới ngoại hình sản phẩm khi so sánh và quyết định bỏ tiền ra mua điện thoại mới.


Galaxy S6 (2015)

Sau khi bị chê tưng bừng, Samsung quyết định đập bỏ hết làm lại với dự án Project Zero. Kết qủa của dự án này là chiếc Galaxy S6 với thiết kế hoàn toàn mới, thể hiện một Samsung mới hoàn toàn. Vỏ kính, khung kim loại đã được đưa vào, mức độ hoàn thiện được nâng lên đáng kể, màn hình được chăm chút cho kĩ và đẹp mắt hơn, độ phân giải 2K xuất hiện, chip mới và bộ nhớ nhanh hơn. Cảm biến vân tay cũng chuyển sang loại chạm nhanh nhạy.

Tất cả cho thấy ý chí của Samsung trong việc làm mới mình, để không tuột hậu so với các đối thủ, và cũng để khẳng định khả năng sáng tạo của một người dẫn đầu thị trường. Tất nhiên, ngoài việc đổi thiết kế thì Samsung cũng phải thay đổi cả quy trình sản xuất, vận hành của mình. Đây là nỗ lực lớn và rất đáng được ghi nhận.


 

 

Chưa hết, S6 cũng là lần đầu tiên Samsung giới thiệu điện thoại màn hình cong 2 bên. Trước đó chiếc Galaxy Note Edge chỉ cong 1 bên viền mà thôi, giá cũng rất cao và gần như chỉ mang tính trình diễn là chính. S6 khởi động cho một loạt thiết kế màn hình cong về sau và trên S7 tiếp tục được duy trì, phát triển. Màn hình cong tạo cho Galaxy S6 Edge một cảm giác rất mới lạ, một sự hứng thú khi sử dụng.

Galaxy S7 (2016)

S7 là một bản cải tiến của S6, trong đó Samsung khắc phục những hạn chế của S6 như vụ bị cấn tay, thiết kế vẫn còn hơi khô, máy ảnh chưa thật sự nhanh. S7 và S7 Edge còn được bổ sung một tính năng rất quan trọng: chống bụi, chống nước. Tức là sau hai năm, chức năng này cuối cùng cũng đã quay trở lại trên dòng điện thoại cao cấp của Samsung.

S7 và S7 Edge đáng ra chỉ là smartphone chủ lực của Samsung trong nửa đầu năm 2016, nhưng vì sự cố Note 7 nên lần đầu tiên trong 5 năm qua một chiếc Galaxy S được sử dụng để làm dòng flagship nửa sau năm 2016. Nó đã giúp Samsung gỡ lại phần nào những thiệt hại của vụ Note 7, đồng thời không để Samsung bị gián đoạn trong cuộc cạnh tranh với iPhone và các hãng điện thoại Android khác.


 


Galaxy S8 (2017)

S8 năm nay Samsung lại thay đổi lớn. Qua những tin đồn, chúng ta thấy nó sẽ có viền màn hình rất mỏng, màn hình tiếp tục là tấm nền cong. Nhờ viền mỏng nên chiếc máy S8 5.8" và S8+ 6,2" sẽ chỉ nhỏ bằng hoặc nhỏ hơn so với những cái điện thoại 5,2" - 5,5" ngày nay. Ngoài chuyện thu gọn kích thước, thiết kế mới còn giúp S8 trông khá là ngầu và mới mẻ. Samsung được cho là sẽ tập trung toàn bộ những công nghệ xịn nhất, mới nhất của mình lên S8.


 








--------------------------------------

APPLE CENTER - 30 NGUYỄN VĂN LINH 
TRUNG TÂM APPLE CHÍNH HẪNG TẠI ĐÀ NẴNG ( APPLE SERVICE DA NANG )

GHÉP SIM - UNLOCK - MỞ MẠNG, ICLOUD CHO IPHONE IPAD TẠI ĐÀ NẴNG
Hỗ trợ cho ( iPhone 7, 7 plus, 6s, 6s plus, 6, 6 plus, 5s, Samsung  .. vv )

Sửa chữa Macbook tại đà nẵng, thay thế linh kiện, macbook imac, samsung, sửa màn hình, thay pin macbook, thay ổ cứng, chân xạc ..vv  

Fix and repair, replace new hardware for macbook, iMac ( Screen , changer hardriver SSD, Battery, keybroad apple , charging, mainbroad, mouse apple ..vv )

 
 
Bài viết khác
© 2019 by APPLE CENTER. All Rights Reserved. Designed by .::Web360::.
Facebook Twitter Google + Youtube